Với giới nghệ sĩ, NSND Bảy Nam không chỉ là bậc tiền bối, người đồng nghiệp đáng kính mà còn là bậc tiền bối luôn dành những điều tốt đẹp, những lời răn dạy sâu sắc đến các thế hệ trẻ. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, các nghệ sĩ đã có buổi họp mặt ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về “má Bảy”.
NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc cùng nhà báo Thanh Hiệp chia sẻ về bức ảnh chụp cùng “má Bảy”
Vừa qua, Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM đã trưng bày gần 100 bức ảnh quý và tư liệu báo chí về NSND Bảy Nam tại không gian ấm áp của Hội Sân khấu TP.HCM. Tại đây, nhiều bức ảnh khiến người xem không nén được xúc động như: bức ảnh NSND Bảy Nam ở tuổi 94 ngồi bên bàn trang điểm, hóa trang cho nhân vật bà tư trong vở “Lá sầu riêng” – vai diễn để đời của bà. Hoặc bức ảnh bà và cháu nội – bé Gia Vinh năm lên 6 tuổi đóng vai bé Sang trong vở “Lá sầu riêng”, cậu bé bị bắt cóc năm xưa, nay đã là một người đàn ông 47 tuổi. Bức ảnh mà gia đình kỳ nữ Kim Cương trân quý chính là NSND Bảy Nam và ba người con: Kim Cương, Kim Quang, Ngọc Thố.
NSND Kim Cương (con gái của NSND Bảy Nam) xúc động cho biết, sở dĩ quý vì đó là bức ảnh duy nhất có đủ ba chị em cùng với mẹ, sau này ông Ngọc Thố đã mất khi tuổi đời còn rất trẻ, đó là nỗi mất mát không có gì bù đắp được đối với kỳ nữ Kim Cương. Ngoài ra còn có những bức ảnh quý của lễ mừng thọ 90 tuổi mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham dự và các bức ảnh đen trắng về các vai diễn của cố NSND Bảy Nam trên sân khấu cải lương (Ngọc Kỳ Lân), phim đen trắng với danh hài Thanh Việt (Ngọn cỏ gió đùa), mẹ đưa tiễn con gái sang Pháp (năm 1965 khi NSND Kim Cương cùng GS.TS Trần Văn Khê sang Pháp, Đức lưu diễn)…
NSND Kim Cương cho biết, hành trình đến với nghệ thuật của “má Bảy” vô cùng gian nan, khổ sổ, không được gia đình chấp nhận. Nhưng bằng lòng yêu nghề, “má Bảy” đã trở thành một nghệ sĩ đầy tâm huyết và trở thành người “phá đường” cho các thế hệ đi vào con đường nghệ thuật dễ dàng, thuận lợi hơn. “Công lao của những người đi trước rất đáng cho chúng ta ghi nhớ. Chúng ta phải làm sao giữ nghề để càng ngày cho mọi người kính trọng hơn. Phải xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, NSND Kim Cương nhắn gửi đến những nghệ sĩ trẻ.
Nhà báo Thanh Hiệp – Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: NSND Bảy Nam được xem là một nghệ sĩ tài năng, một tấm gương để cho thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi. Bà được giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét: “Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được thì nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quý hiếm ấy”… |
Có mặt tại triển lãm, NSND Minh Vương cũng chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ lúc “má Bảy” còn sống. “Hồi đó tôi thường đến thăm má và hay nói vui là tôi sẽ tìm một người đẹp trai để gả má. Vậy mà tới lúc má bệnh, má vẫn còn nhắc đến lời nói vui đó để chọc tôi, má luôn dành những tình cảm thân thương nhất dành cho tôi”, NSND Minh Vương nhớ lại.
Người có nhiều kỷ niệm đẹp nhất đối với NSND Bảy Nam không thể không nhắc đến NSƯT Hữu Châu. “Sau khi tốt nghiệp, tôi về đoàn kịch Kim Cương. Những lần về tỉnh diễn, “ngoại Bảy” đều kể nhiều câu chuyện cho tôi nghe. Có lần tôi lỡ làm mất đôi bông mù u (đạo cụ), tôi sợ quá. Khi trình bày với “ngoại Bảy”, bà răn dạy tôi nhiều điều, sau đó mở tủ lấy một bịch bông mù u, khiến tôi thấy nhẹ nhõm”.
NSND Bảy Nam sinh ra tại Tiền Giang. Bà là em ruột của nghệ sĩ Năm Phỉ, gia đình bà có 11 anh chị em, trong đó, bà là con thứ 7. Vai diễn đầu tiên lúc 14 tuổi đã dẫn bà vào con đường nghệ thuật. Năm năm sau, bà trở thành bầu gánh hát Nam Hưng và trở thành nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương. Ông Nguyễn Phước Cương, bầu gánh hát Phước Cương kết hôn với chị gái của bà là nghệ sĩ Năm Phỉ. Nhưng vì xảy ra nhiều mâu thuẫn nên hai người ly dị. Sau khi ly dị với bà Năm Phỉ, ông Cương tái hôn với bà Bảy Nam. Hai ông bà có một người con gái tài sắc đó là nghệ sĩ nhân dân Kim Cương – người được mệnh danh là “kỳ nữ”.
Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà, đó là vở “Lá sầu riêng” và “Bông hồng cài áo”. Chỉ hai vở ấy thôi cũng đủ chứng minh tài năng tuyệt vời, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với các kịch bản để đời: “Nỗi đau lòng mẹ”, “Người đàn bà Việt Nam”, “Gươm vàng máu đỏ”, “Điều Tam Xuân”, “Tiêu Anh Phụng”, “Phấn hậu cung”… NSND Bảy Nam mất 2004, thọ 91 tuổi.
Bài viết từ giaoduc.edu.vn đăng tải vào ngày 20/10/2020