Hồi ký kiểu đẹp khoe xấu che

/

Nếu như cách đây 10 năm, hồi ký “Sống và yêu” của diễn viên Lê Vân bị phán xét khá nặng nề, thì giờ đây dư luận đã có cái nhìn thoáng hơn khi nhiều góc khuất của đời sống được kể lại một cách công khai.

Hàng loạt hồi ký của những nhân vật nổi tiếng được ra mắt liên tục trong thời gian gần đây, khiến công chúng cảm nhận rõ nét cơn sốt thể loại này trên thị trường sách.

Nếu như cách đây 10 năm, hồi ký “Sống và yêu” của diễn viên Lê Vân bị phán xét khá nặng nề, thì giờ đây dư luận đã có cái nhìn thoáng hơn khi nhiều góc khuất của đời sống được kể lại một cách công khai.

Thái độ văn minh của bạn đọc chính là cơ hội phát triển cho hồi ký nói riêng và văn học tự sự nói chung. Tuy nhiên, nếu hồi ký chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi của người viết và thỏa mãn sự tò mò của đám đông thì hồi ký chẳng có ý nghĩa gì trong dòng chảy tiến bộ của xã hội.

Thực tế, những cuốn sách được chú ý của Thành Lộc, Ái Vân hoặc Thương Tín, Kim Cương đều khá mơ hồ về thể loại.

Cuốn hồi ký vừa ra mắt của NSND Kim Cương

Đây không phải lỗi của họ, mà chính những người chấp bút cho họ cũng không phân biệt được hồi ký khác tự truyện ra sao, và khác tiểu sử nhân vật như thế nào.

Tuy nhiên, công chúng cứ tạm chấp nhận những gì họ công bố là hồi ký, thì tiêu chí để thưởng thức và đánh giá là sự thật. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong các cuốn hồi ký của nghệ sĩ?

Không ai dám khẳng định 100%, vì quá nhiều câu chuyện phải che giấu đi vì bản thân không đủ can đảm hoặc ái ngại áp lực từ cộng đồng. Do đó, điểm chung của các hồi ký là những mẩu kỷ niệm đèm đẹp và những câu vuốt ve ngọt ngào.

Hồi ký đã được hình thành từ lâu trên thế giới. Không hẳn người nổi tiếng mới viết hồi ký, mà những người bình thường cũng có những hồi ký gây tiếng vang. Quan trọng nhất là tính chân thật của câu chuyện sẽ thuyết phục người đọc.

Ở Trung Quốc, cuốn hồi ký được quan tâm nhất từ đầu thế kỷ 21 đến nay là “Nhật ký Mã Yến”. Sinh ra và lớn lên ở Ninh Hạ thuộc khu tự trị Nội Mông, cô bé Mã Yến đã viết cuốn sách kể về cuộc sống gieo neo và khát vọng của tuổi thơ nghèo khó nơi thâm sơn cùng cốc.

Người ta đọc “Nhật ký Mã Yến” để hiểu rằng mỗi số phận đều có lấp lánh riêng, và người ta cũng ý thức được làm sao mang lại cơ hội học hành và trưởng thành cho những đứa trẻ kém may mắn.

Trường hợp “Nhật ký Mã Yến” nhắc nhở chúng ta rằng, hồi ký không phải thể loại để thư giãn và khoe khoang cá nhân.

Trở lại với thị trường hồi ký nước ta. Dường như đang có một trào lưu xuất bản hồi ký ở những đối tượng tạm gọi là thành đạt, như nghệ sĩ hoặc doanh nhân. Xu hướng ấy cũng đáng ủng hộ vì hồi ký cá nhân cũng chứa đựng một phần lịch sử.

Tuy nhiên, muốn viết hồi ký phải có phương pháp và kỹ năng, còn nếu cứ kể tràn lan kiểu đẹp khoe xấu che thì chỉ tốn giấy tốn mực mà thôi. Chính mỗi người chấp bút hoặc người hiệu đính phải biết tự phản biện những thông tin được đưa vào hồi ký, thì mới tạo được niềm tin cho mọi người về giá trị sự thật mang ra sẻ chia.

Gần đây nhất cuốn hồi ký “Sống cho người, sống cho mình” của NSND Kim Cương đã tạo được sự chú ý của dư luận. Thế nhưng, so với chính tên tuổi lừng lẫy và cuộc đời thăng trầm của NSND Kim Cương thì những gì thể hiện trong “Sống cho người, sống cho mình” lại hơi hời hợt và hơi đơn giản.

NSUT Thành Lộc, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến dự và phát biểu trong buổi họp báo ra mắt hồi ký “Sống cho người, sống cho mình”

Độc giả tinh ý dễ dàng nhận ra “Sống cho người, sống cho mình” không nhất quán về bút pháp và tư duy, nên tồn tại nhiều bất cập. Chính NSND Kim Cương thừa nhận cuốn hồi ký do nhiều người bạn và người em đã giúp bà ghi chép lại mà thành: “Không thể nào hài lòng bởi ở cuộc đời này, mơ ước thì thật nhiều nhưng không làm được bao nhiêu.

Nói về cuộc đời con người bình thường đã khó, cuộc đời một người nổi tiếng được mệnh danh “kỳ nữ Kim Cương” còn khó đến mức nào. Do vậy, những điều tôi viết không thể đủ trong mấy trăm trang sách mà phải đến 10 quyển hồi ký như thế này mới chứa hết chuyện đời mình”.

Bài viết từ nongnghiep.vn được đăng tải vào ngày 22/3/2022