Phương tiện sách được phát hành dưới dạng Audio – tức là nội dung sách được truyền tải thông qua giọng đọc kết hợp cùng những hiệu ứng âm thanh sống động đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến với những ảnh hưởng đặc biệt tích cực đối với mỗi chúng ta.
Nghệ sĩ Kim Cương và bước đi thức thời
NSND Kim Cương là một trong những người đã đặt nền móng cho nền thoại kịch miền Nam và được mệnh danh là kỳ nữ của sân khấu. Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Kim Cương để lại nhiều tác phẩm kịch nói có giá trị và Hồi ký về chính cuộc đời mình được nghệ sĩ cho ra mắt năm 2016 nhưng để nói về một bản Audio thì còn khá mới mẻ.
Khi thị hiếu công chúng thay đổi, việc ra mắt bản audio sẽ dễ tiếp cận số đông hơn, NSND Kim Cương đã giới thiệu đến công chúng Audio Hồi ký nghệ sĩ Kim Cương: Sống cho người, sống cho mình sau 2 năm thực hiện trong đại dịch vào tháng 3/2022 vừa qua. Nắm bắt được xu hướng này, Audio Hồi ký Kim Cương góp phần mở ra một hướng đi mới trong thời buổi khán thính giả bận rộn và không có nhiều thời gian để đọc từ đó những thông điệp sẽ đến với khán giả dễ dàng, nhanh chóng hơn so với sách in.
Sản phẩm Audio được đầu tư “khủng”
Tại thời điểm này, có lẽ bản thu âm hồi ký của nghệ sĩ Kim Cương là cuốn sách nói được thực hiện kỳ công nhất vì nó không đơn thuần được đọc nguyên văn từ bản in, mà như là một bộ phim truyền thanh sống động. Cái “khủng” ở đây có thể nói về sự công phu của “1.000 phút audio sinh động” gửi đến khán giả. 28 tập của Hồi ký là 28 câu chuyện được kể lại theo cách hoàn toàn mới, các chi tiết được điều chỉnh để phù hợp với phiên bản audio, bổ sung thêm đối thoại của các nhân vật, trích đoạn của các vở diễn và đặc biệt không thể thiếu những âm thanh nền sống động: tiếng ghe chạy, tiếng xe ngựa, tiếng sóng nước… tạo nên một không gian ngập tràn xúc cảm.
Dưới sự giỏi nghề của Tổng đạo diễn Đạt Phi, chỉ sau khi đọc vài trang sách, mường tượng không khí ngày xưa, anh nảy ra ý định thực hiện hồi ký như một “cuốn phim” quay về quá khứ của nghệ sĩ Kim Cương và bản Audio đã ra đời.
Khi bắt tay vào thực hiện hết sức khó khăn, đặc biệt là trong việc lựa chọn nhân sự. Trong quá trình làm việc, không ít lần xảy ra tranh cãi vì bất đồng quan điểm, lựa chọn tiếng động, âm nhạc… Không ít lần lồng nhạc xong phải tháo xuống làm lại nên mất nhiều công sức, thời gian. Anh Hòa Bình, Đạo diễn âm thanh của dự án chia sẻ vì anh sinh sau năm 1975 nên không hiểu hết cuộc sống thời xưa do đó anh luôn kề cận NSND Kim Cương để hỏi han về các âm thanh đặc trưng của thời điểm đó, đảm bảo tái hiện đúng. Một áp lực khác là chọn giọng nói thể hiện những nhân vật đã tạ thế nhưng rất quen mặt với công chúng như: NSND Bảy Nam, thi sĩ Bùi Giáng… Trong đó, cố nghệ sĩ lồng tiếng Văn Ngà thể hiện giọng của thi sĩ Bùi Giáng, khiến NSND Kim Cương giật mình vì quá giống. NSND Kim Cương chia sẻ, trong quá trình chọn lọc âm thanh, bà và đạo diễn đôi khi giận nhau nhưng cuối cùng, tất cả sự cố gắng đã cho ra một sản phẩm khiến bà vô cùng hạnh phúc.
Audio có sự tham gia của những nghệ sĩ tên tuổi và các diễn viên lồng tiếng của Đạt Phi Media. Nghệ sĩ Thy Mai là giọng đọc chính, nghệ sĩ Đạt Phi vào vai các người tình của Kim Cương như ông chánh án khi trẻ và già, ông ký giả… và diễn viên Trúc Anh vai Kim Cương lúc trưởng thành. Ngoài các nghệ sĩ lồng tiếng chuyên nghiệp, hồi ký còn có sự góp giọng của những đàn em giỏi nghề mà bà yêu quý và có sự gắn bó với bà trong các hoạt động thiện nguyện như NSND Kim Xuân, NSUT Thành Lộc, NSUT Hữu Châu.
Thông qua phiên bản này, tác phẩm của NSND Kim Cương được phát hành trên nhiều nền tảng để đến gần hơn với bạn đọc mến mộ Kim Cương, kể cả những người ở nơi xa xôi nhất. Khán thính giả có cơ hội trở về với không khí của thời xa vắng hơn nửa thế kỷ trước và cảm nhận chân thực cuộc đời của một kỳ nữ với những dư vị ngọt ngào lẫn đắng chát, khi tấm màn nhung của sân khấu khép lại.
—
Website: www.kynukimcuong.vn
YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimCuong
Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimCuong
Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com