Tết năm nay NSND Kim Cương vui hơn bao giờ hết. Chương trình “Nghệ sĩ tri âm” do chị tổ chức đã giúp hơn 200 nghệ sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật đang gặp hoàn cảnh khó khăn được trao tặng quà gồm vật phẩm, thực phẩm, quần áo, dụng cụ làm bếp và số tiền nhỏ 5 triệu đồng/người giúp ba ngày tết ấm cúng hơn. Đây là năm thứ 4 chương trình được tổ chức trang trọng và NSND Kim Cương vẫn một mình tất tả, ngược xuôi đi xin tài trợ, kêu gọi sự chung lưng của nhà hảo tâm.
Nghệ sĩ Kim Cương trao quà cho các nghệ sĩ trong dịp xuân Mậu Tuấn 2018.
“Từ nhỏ, tận trong tiềm thức chị đã ngấm những bài học về lòng nhân ái của mẹ khi luôn dạy dỗ con cái bổn phận phải chia sẻ nỗi đau của người khác. Với chị, khi đứng trước những cảnh đời bất hạnh hay nỗi đau của những phận đời không may mắn, chị đau xót, day dứt và nặng lòng hơn cả người trong cuộc. Có thể do trái tim của người nghệ sĩ vốn đa đoan, nhạy cảm chăng?. Nhưng sâu xa hơn là do ý thức đồng cảm, chia sẻ xuất phát từ sâu thẳm nội tâm con người chị”, NSND Kim Cương lý giải.
Và vì vậy mà nhiều năm trước đây, khi giáo sư Trần Văn Khê còn tại thế, ông đã từng ưu ái gọi NSND Kim Cương là “nữ hoàng” trong lòng những mảnh đời cơ nhỡ vì chị không chỉ là một “kỳ nữ” của sân khấu trước năm 1975 mà còn là một người hết lòng với công tác thiện nguyện trong hơn 50 năm qua. Công việc thiện nguyện của chị không chỉ bắt đầu từ các năm gần đây mà cả một quá trình dài, từ những năm trước 1975 khi chị đang là viên Kim Cương sáng chói trong làng kịch nghệ, phim ảnh…
Nghệ sĩ Kim Cương trao học bổng cho các con em nghệ sĩ.
“Từ những năm 1970, chị đã tập hợp những người yêu mến mình thành nhóm Gia đình tình thương, cùng đi xin gạo, đường, quần áo cũ cho người nghèo, đặc biệt là cho các em mồ côi ở cô nhi viện Quách Thị Trang và Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Bắt đầu từ vài thành viên của nhóm đã tăng lên nhanh chóng hàng chục người cùng trải lòng chia sẻ nỗi đau với những em nhỏ kém may mắn. Hầu hết thành viên trong nhóm đều yêu thương và tận tuỵ với công việc thiện nguyện do chị phát động”, NSND Kim Cương nhớ lại.
Bằng trái tim hồng đầy nhân ái như thế, hiện NSND Kim Cương vẫn tìm đến các trung tâm người khuyết tật, trẻ mồ côi sưởi ấm từng tấm lòng rách nát của những thân phận không may. Có dịp theo chân nghệ sĩ, rất dễ nghe ríu rít những tiếng gọi “Má” đầy thân thương, trìu mến pha chút giận hờn “sao lâu không thấy ghé” của các em. Vì thế, đồng cảm với số phận của các em, chị xem những trung tâm như căn nhà thứ hai của mình và mình có nhiệm vụ lo lắng cho tương lai, cuộc sống của những thành viên trong đó.
“Chị đi làm việc thiện không phải vì chức danh Phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi hay là Ủy viên thường vụ Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh mà là cái tâm, cái trách nhiệm của người nghệ sĩ tên Kim Cương. Công việc từ thiện là đường bay không có điểm dừng và chị hứa với lòng là sẽ làm cho đến khi nào không còn sức lực. Đôi khi sự giúp đỡ đó không đơn thuần chỉ là vật chất mà chỉ là tấm lòng, là sự cảm thông, là sự sẻ chia, một ánh mắt cảm thông, một cái nắm tay ấm áp thân tình của người chị, người cô có tên Kim Cương”, chị giãi bày.
Nghệ sĩ Kim Cương trao quà từ thiện cho các em nhỏ bị ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM).
Chiều xuống thấp. Tiếng chuông chùa hờ hững buông lơi làm lòng người cô tịch càng thêm quạnh quẽ. Đưa mắt dõi nhìn theo áng may trôi hững hờ bên ngoài khung cửa, NSND Kim Cương khe khẽ hát. Khúc hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như tâm niệm của chị trong cuộc đời đầy thị phi, trắc trở:
“Sống trong đời sống
Cần lắm một tấm lòng
Để làm gì em biết không…”
Tạm gác công việc xã hội, bắt sang công việc đã đem lại danh tiếng, chỗ đứng vững chắc của NSND Kim Cương trong sâu thẳm tâm hồn người mộ điệu, giọng chị trở nên sôi nổi, đầy tâm huyết lạ thường.
“Mẹ chị thường nói sân khấu là ĐẠO. Còn nghệ sĩ Năm Châu thì cho rằng sân khấu là một “thánh đường” của nghệ sĩ và cả khán giả. Người nghệ sĩ vào thánh đường với tư thế của những con chiên khi dành hết tài năng, trí tuệ, năng lực và tâm hồn cho nghệ thuật. Và người xem khi bước vào cái thánh đường lung linh ấy cũng dành hết tâm hồn để đồng cảm những giờ phút thăng hoa của nghệ thuật”, giọng đầy tâm trạng, NSND Kim Cương trăn trở.
Rồi những câu hỏi dồn dập của chị cứ day dứt, văng vẳng bên tai không dễ gì ngày một ngày hai có câu trả lời thoả đáng. Làm gì có nghệ sĩ vào thánh đường buộc phải tăng thù lao trước rồi mới diễn sau?. Làm gì có nghệ sĩ xông vào thánh đường như đi ăn cướp, hối hả đòi hát cho mau, diễn cho nhanh để còn phải chạy sô ba bốn nơi khác nữa?. Làm gì có nghệ sĩ vào thánh đường chỉ nhép môi theo những bản nhạc đã thâu sẵn và xem khán giả như những người không biết gì, bỏ tiền thật để đổi lấy sự dối trá?. Thật buồn thay khi nghệ sĩ nào thì khán giả ấy. Ngày nay khán giả vào thánh đường nghệ thuật như đi hợp chợ. Họ đến đây chỉ để mua vui với những màn tấu hài vô nghĩa, thô tục. Thấy khán giả cười rần rần mà lòng người nghệ sĩ chân chính đau như ai vò ai xé…
Có thể vì thế mà cách đây hơn 2 thập kỷ, khi đang ở trên cao của danh vọng, được khán giả hâm mộ cuồng nhiệt, truyền thông săn đón, các nhà quản lý tin yêu NSND Kim Cương đã quyết định rời xa ánh đèn màu sân khấu. Màn nhung khép lại. Vãn tuồng, đào kép lau son phấn trở lại với cuộc sống mưu sinh bộn bề. Từng là bà bầu và là ngôi sao của đoàn kịch mang tên chính mình, dưới tay có hơn 70 văn công, diễn viên, doanh thu hàng đêm cao ngất ngưỡng nhưng khi thấy mình không hợp và khó khăn đáp ứng thị hiếu của tầng lớp khán giả mới, NSND Kim Cương đã nhẹ nhàng rút lui vào hậu trường, nhường vinh quang, khán giả cho lớp hậu bối. Con tằm thác đi tơ vẫn còn vương vấn. Dù mặt đã ngoảnh đi nhưng lòng người nghệ sĩ vẫn còn ở lại, vẫn day dứt khôn nguôi nỗi niềm của người làm nghệ thuật chân chính luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho đời.
“Nhiều năm trôi qua rồi, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, không còn chiến tranh. TP Hồ Chí Minh đã có nhiều điều kiện để phát triển hơn trước về mọi mặt cả về đào tạo nghệ sĩ, xây dựng tuồng tích, tái thiết cơ sở. Thế nhưng kết quả đi ngược lại. Thay vì phát triển thì cả một nền nghệ thuật sân khấu lại thụt lùi. Và điều làm chị băn khoăn, lo lắng là tư duy thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay khi chủ nhân của tương lai đất nước lơ là nghệ thuật truyền thống, tỏ ra si cuồng văn hoá Mỹ, Hàn Quốc…”, NSND Kim Cương trầm ngâm.
Nghệ sĩ Kim Cương thắp nén hương tưởng nhớ đến người mẹ sinh thành.
Dù có tài giỏi đến đâu, muôn đời con vẫn là đứa con bé nhỏ, yếu đuối trong vòng tay chở che của mẹ. Như cô Diệu trong vở kịch kinh điển của sân khấu miền Nam, Lá sầu riêng đã như con gà mái xoè cánh bảo bọc đứa con thơ của mình khi bị thói đời dè bỉu, khinh khi.
Chậm rãi, NSND Kim Cương đưa tay vén mớ tóc mây loà xoà trước trán ra sau gọn ghẽ, rồi chỉnh trang lại y phục, đi lại bàn thờ nơi có hình ảnh người má thân thương đang nheo nheo đôi mắt dày đặc vết chân chim móm mém cười hiền. Đốt một nén hương cho người mà chị yêu kính nhất trong suốt kiếp làm người, trong một buổi chiều TP Hồ Chí Minh hanh hao nắng, giọng chị nghẹn ngào nặng niềm tâm sự.
“Má ơi, con có chuyện này kể cho má nghe nè. Ở một cõi bình yên nào đó chắc má sẽ vui lắm khi đứa con gái bé nhỏ của má đã làm được điều mà má hằng ao ước, mong mỏi. Đó là làm sao cho cái xã hội đầy thành kiến về nghề hát hay những người trong giới nghệ thuật bớt đi thành kiến “xướng ca vô loài”. Má biết không, con gái của má đã được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Vậy là xã hội đã ghi nhận, trân trọng sự đóng góp của người nghệ sĩ rồi má ha”, đưa tay lau dòng nước mắt ngân ngấn nơi khoé mi, giọng NSND Kim Cương chùn xuống đầy bùi ngùi, xúc động.
Lúc nào cũng vậy, khi câu chuyện đang rôm rã, giòn tan về nghề, về nghiệp nhưng khi nhắc đến Má Bảy Nam là NSND Kim Cương bỗng nhiên mềm yếu đến lạ thường. Trong buổi vinh danh, ghi nhận 50 gương mặt phụ nữ đang có vai trò nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của họ, bao gồm chính trị, kinh doanh, hoạt động xã hội và từ thiện, khoa học – giáo dục, giải trí, nghệ thuật và thể thao, mà chị được vinh danh trong hoạt động xã hội, từ thiện chị cũng mếu máo khi nhắc đến Má Bảy Nam.
“Cả đời má vất vả lo toan. Dấn thân vào nghề hát, bầu gánh rất sớm nhưng nụ cười chỉ loé lên như một ánh chớp. Còn nỗi phiền muộn thì triền miên như ngày nối tiếp đêm. Trong cuộc đời má không ham bất cứ một hình thức xa hoa vật chất nào hay danh vọng của cuộc đời. Hạnh phúc lớn nhất của má là được diễn trên sân khấu. Chính vì vậy chị là đứa con mà má cưng chiều, yêu thương nhất. Má yêu thương chị không phải vì chị hay, chị giỏi mà vì chị đã chọn đúng cách để có thể báo hiếu cho má”, giọng đầy hoài niệm, NSND Kim Cương cho hay.
Bất chợt chuyển giọng líu lo như con chim sáo, NSND Kim Cương kể chuyện vui về kỷ niệm với Má Bảy Nam khi đã năm mươi mấy tuổi mà muốn hẹn hò với người yêu phải lén trốn má như ở tuổi ô mai. Tận trong tâm khảm chị không sợ má la rầy hay đánh đòn như hồi còn trẻ mà điều duy nhất chị lo má phải buồn, phải khổ vì những đa đoan, không may mắn của đời chị. Cả cuộc đời của má đã khóc hết nước mắt vì tình yêu, vì sự nghiêp. Chị là niềm an ủi duy nhất trong đời má nên NSND Kim Cương rất lo lắng vì mình mà má chuốc sự phiền muộn.
“Chị và má rất giống nhau. Kiểu như trong hạnh phúc gia đình nếu chị truân chuyên thì má cũng lận đận cả đời. Cả chị và má đều đối diện hàng ngày là khoảng trống bạt ngàn không gì bù đắp nổi. Bên trong là tâm hồn yếu đuối, mệt mỏi, nhưng bên ngoài là sự bản lĩnh, can trường. Trong mắt mọi người chị và má tưởng như không gì khuất phục. Nhưng khi đối diện với chính mình, chị và má thường khóc thầm lặng lẽ và chỉ mỗi mình mình biết gặm nhấm với nỗi đau buồn lê thê…”, NSND Kim Cương cho hay
Con người ai cũng có những phút giây yếu lòng, huống hồ người nghệ sĩ vốn có trái tim đa sầu đa cảm. Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 20 năm. Khi đó trong một giây phút yếu lòng, tuyệt vọng NSND Kim Cương muốn tự kết liễu cuộc đời đầy trắc trở. Giữa những bùng nhùng của cuộc đời bế tắc, không lối thoát, trong một buổi chiều đầy dông bão, định mệnh đã dẫn dắt chị đến gặp thầy Thích Thanh Từ. Gặp thầy và cáo lỗi với thầy về cái chết của mình và muốn thầy cho phép lễ Phật trước khi chết. Chị muốn làm lễ sám hối để sám hối với Phật. Thật thành tâm, thanh thản để rồi lìa xa trần thế đầy ô trọc mà không chút vướng bận, thanh thản của một Phật tử khi ngộ ra cuộc sống phù du như bài thiền tụng của Tuệ Trung Thượng Sĩ:
“Tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
Thời tiết “nhân duyên” vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi.
Hoa nở tháng Ba, luôn vẫn vậy.
Gà gáy canh năm đánh thức người.
Cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
Mới biết phù du sống ở đời”
Nhưng, NSND Kim Cương vẫn còn nặng với cõi hồng trần. Khi nghe giảng bài của thầy Thích Thanh Từ về đạo Phật, về con đường mà đức Phật đã tìm ra, về vô thường, khổ và vô ngã. Rồi cái gì cũng phải qua. Cái gì đến rồi sẽ đi. Chỉ có sống thuận theo pháp là tốt nhất, là có bình an và thảnh thơi nhất.
“Chính Phật pháp đã cứu đời chị. Chính đức hoà thượng Thích Thanh Từ đã cứu mạng sống của chị. Tới giờ chị vẫn còn nhớ như in câu nói của thầy Thích Thanh Từ trong cái ngày hôm ấy. Thầy bảo: Con ơi, với người phụ nữ khác muốn 10 chuyện, đạt được 2 chuyện đã là vui. Còn con, muốn 10 chuyện, thành 8 chuyện là số phận đã ưu ái ban cho mình quá nhiều rồi. Con đã có quá nhiều thứ rồi thì cũng có những cái con không đạt được chứ. Đâu có phải muốn cái gì cũng được”, đưa đôi mắt dõi về hướng chùa Đại Giác thấp thoáng sau rặng cây, mờ ảo trong khói lam chiều, NSND Kim Cương bồi hồi nhớ lại.
Sau câu nói đó NSND Kim Cương đã thức tỉnh và bắt đầu đi sâu tìm hiểu Phật pháp. Là nghệ sĩ, sống với tiếng vỗ tay và ánh hào quang, ánh đèn sân khấu, phải biết buông bỏ được thì mới hết khổ. Phật pháp đã thay đổi cả cuộc đời chị. Là người nghệ sĩ, tham sân si nhiều nhất, từ Phật pháp, NSND Kim Cương đã học được nhiều hơn cả mấy chục năm trên sân khấu khi dễ dàng thấm nhuần một chữ “buông”.
“Thầy đặt cho chị một cái tên mới cũng đồng nghĩa mở cho chị một cuộc đời mới, tên Từ Huệ. Từ là tâm, còn Huệ là cái đầu, trí tuệ. Nghĩa sâu xa của cái tên là làm từ thiện, thiện nguyện hay bất cứ công việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm nhưng và phải có cái đầu suy nghĩ. Phải sáng suốt, không để tình cảm lấn át lý trí”, NSND Kim Cương cho hay.
Chiều tắt và màn đêm đã sập xuống tự lúc nào. Xa xa tiếng chư tăng tụng kinh Di Đà ở chùa Đại Giác văng vẳng những lời sáng suốt lòng từ bi và trí tuệ của đức Phật huấn dạy. Khép cánh cổng lại, ngôi nhà NSND Kim Cương sinh sống cùng gia đình tách biệt hẳn với những náo nhiệt, phồn hoa đô hội của đô thị sầm uất, phóng xe ào ra đường, hoà nhập vào cuộc sống đầy bon chen, chạy theo hư vinh, vật chất bên tai như vẫn còn văng vẳng bài niệm mà NSND Kim Cương tâm đắc:
“Thấu rõ, buông bỏ, tùy duyên,
Lòng hằng niệm Phật, nhất nguyền vãng sanh,
Sen thơm ngát, thắm một cành,
Tây phương cực lạc viên thành đạo chân”
Bài viết từ baotintuc được đăng tải vào ngày 06/04/2018