Một lòng tha thiết tạo dựng sân khấu kịch đặc biệt là sau những tháng ngày học tập tại nước ngoài đã giúp Kim Cương hiện thực hóa ước mơ và là người tiên phong cùng nền thoại kịch miền Nam. Giữa những ngày tháng còn hoang sơ của kịch nói, khi các soạn giả chỉ tập trung cho cải lương, NSND bất đắc dĩ phải bước vào vai trò này để có những kịch bản hay cho Đoàn Kim Cương.
Soạn giả bất đắc dĩ
Trong bối cảnh cải lương đang thời hoàng kim, còn kịch thì mới manh nha, Kim Cương phải tự mình mò mẫm những bước đi đầu tiên, viết kịch bản cho đoàn diễn. Soạn giả bất đắc dĩ đến với sân khấu kịch bằng ngọn lửa đam mê, vì không phải theo nghiệp sáng tác nên nữ nghệ sĩ gặp không ít trở ngại và không tự tin với kịch bản của chính mình. Do đó, Kim Cương không dám lấy tên thật mà lấy danh xưng là Hoàng Dũng “để rủi có dở thì cũng đỡ quê”.
Chính những thiếu thốn từ đôi tay chăm sóc của mẹ hiền, những cuộc tình tan vỡ, những cuộc gặp gỡ rồi chia tay, sự bịn rịn trong những ngày lang bạt hợp tan đã trở thành vốn sống dồi dào cho những kịch bản của Kim Cương. Cùng với sự giúp đỡ của em gái Kim Quang và anh Hòa trong đoàn, ban kịch Kim Cương đã ra đời và có những tác phẩm đầu tay.
Gia sản của sân khấu kịch miền Nam
Với những trải nghiệm của cuộc đời, nhất là sau những lần du học ở nước ngoài, Kim Cương đã sáng tác ngày một chỉn chu hơn từ văn chương cho đến cách kể chuyện, nhất là trong thời gian diễn, theo phản ứng của khán giả, kỳ nữ tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp. Và từ đó, Đoàn kịch nói Kim Cương dần khẳng định vị trí trong lòng khán giả qua các vở diễn còn được nhắc tới ngày nay như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc, Hai mùa giáng sinh, …
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Kim Cương để lại nhiều tác phẩm kịch nói có giá trị nhưng lấy nước mắt và được khán giả nhớ đến nhiều nhất phải kể tới vở Lá sầu riêng, đóng cùng với mẹ mình là NSND Bảy Nam. Vở diễn đã sống trong lòng bao nhiêu thế hệ khán giả gần nửa thế kỷ cho đến nay. NSND Kim Cương chia sẻ trong sự xúc động : “ Vở Lá sầu riêng chính là thứ của cải gia bảo của tôi, là kỷ niệm với má, với khán giả một thời mà tôi luôn nâng niu gìn giữ.”. Lá sầu riêng làm người ta khóc như mưa, hình bóng bà Bảy Nam đã đồng nhất thành hình bóng bà ngoại của nhiều người và bà không chỉ là một nghệ sĩ, bà trở thành một người thương trong gia đình, một bà ngoại chung của miền Nam yêu dấu.
Bông hồng cài áo – một câu chuyện thiêng liêng về tình mẫu tử đã giúp NSND Kim Cương đã ghi thêm một dấu son rực rỡ trong nền kịch nghệ miền Nam. Và nhân vật dì Tư của NSND Kim Cương gần như trở thành một bà mẹ tiêu biểu, làm người ta phải nhớ, phải day dứt. Hay trong vở Dưới hai màu áo mà NSND Kim Cương đóng cả hai vai cô Bê lẫn cô Bích. Hai người giống nhau như tạc nhưng thân phận khác nhau, tính cách khác nhau, cô Bê hiền lành, chân chất; cô Bích nổi loạn, đua đòi thậm chí thời ấy có người còn nghi ngờ có đến 2 Kim Cương vì 2 nhân vật này được nữ nghệ sĩ diễn quá đạt.
Ban kịch Kim Cương tái hiện đời sống xã hội, thân phận phụ nữ, để lại ấn tượng trong lòng khán giả và soạn giả Kim Cương đã để lại một gia sản rất lớn cho sân khấu miền Nam, đặt nền móng cho tính chuyên nghiệp của kịch nói, thể hiện một phong cách rất rõ ràng, rất điển hình của kịch miền Nam thế kỷ 20. Với chất giọng tuyệt đẹp của NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, và nghệ sỹ Thy Mai cùng trích đoạn nổi tiếng trong vở “Lá sầu riêng” – mời Quý Khán giả cùng lắng nghe Tập 9 – Tôi là soạn giả (Phần 1)
—
Phát hành 20h Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy hàng tuần
Website: www.kynukimcuong.vn
YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimCuong
Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimCuong
Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com