Đến với sân khấu khi chỉ mới 18 ngày tuổi, trở thành một kỳ nữ được khán giả thương mến từ khi còn rất trẻ, 40 năm với nghề và 80 năm với đời, bao đắng cay, hạnh phúc, vinh quang, tủi hờn… đã được nghệ sĩ nhớ và ghi lại trong hồi ký Sống cho người, sống cho mình. Với 25 câu chuyện trong 4 phần, cuốn sách để lại những dư vị ngọt ngào có, đắng chát có… khi tấm màn nhung của sân khấu khép lại và cuộc đời của một con người mở ra.
Ở phần 1, “Tuổi thơ nghiệt ngã”, có một Kim Cương nghịch ngợm, lí lắc giữa một thế giới đầy âm thanh và màu sắc khi cùng ba má rong ruổi suốt hành trình diễn xướng; ở đó cũng có một Kim Cương đầy cô đơn và bơ vơ sau sự ra đi đột ngột của cha, để lại những khoảng trống không gì bù đắp nổi. Má nhận ra sự bẽ bàng của nghiệp hát đã nhất quyết tách con gái khỏi sân khấu, để lại “Tuổi học trò bơ vơ” trong suốt gần 10 năm ở trường dòng.
Qua phần 2, “Sân khấu và cuộc đời”, sự trở về sân khấu như cá về với nước, như cánh chim về với bầu trời, 40 năm trong hơi thở nghệ thuật là ngần ấy năm nghệ sĩ Kim Cương trút tơ lòng khóc cười với từng kiếp nhân sinh. Từ giã sân khấu cải lương khi đang ở đỉnh cao vinh quang với danh hiệu “kỳ nữ”, cô khao khát tìm thấy con đường “nói thay tiếng nói từ nơi sâu nhất nỗi lòng của những thân phận người, vạch lối đi vào tim bằng một ánh sáng chân thật” – dù nhiều khó khăn và lắm chông gai. Tạo nên một đoàn kịch Kim Cương lừng lẫy giữa thời hưng thịnh của nghệ thuật cải lương, Kim Cương trở thành người tiên phong mở đường cho kịch nói phát triển ở miền Nam. Là soạn giả, là đạo diễn sân khấu, diễn viên, quản lý đoàn kịch, và sau này là giám đốc sản xuất phim điện ảnh, dường như danh hiệu “kỳ nữ” không bao giờ đủ để nói hết, kể hết về sức phụng hiến cho nghệ thuật của nghệ sĩ Kim Cương. Không lúc nào nhận mình là người nổi tiếng, chưa bao giờ nghĩ làm nghệ thuật để đạt tới vị trí một ngôi sao, người nghệ sĩ ấy say mê với từng vai diễn, từng phận người chỉ đơn giản bởi những ánh mắt của những người bạn – những khán giả thân thương luôn “nhìn chăm chăm Kim Cương vui cái gì, buồn làm sao, khổ sở tới mức nào”. Chỉ cần đời còn một người bạn như thế là cô có thể tiếp tục cháy hết mình.
Ở phần 3, “Những người trong đời tôi”, đó là những trang viết về tình cảm bình dị và đong đầy yêu thương của kỳ nữ Kim Cương với ba má, em gái, con trai…
Và ở phần 4, “Sống và yêu”, độc giả sẽ tìm thấy trong cuốn hồi ký này dư vị của những hạnh phúc, những ngậm ngùi, đắng cay… Là một người không bao giờ sống nửa vời, “ở lĩnh vực nào cũng đi đến tận cùng mới thôi”, nên trong tình yêu, người nghệ sĩ ấy đã “yêu với tất cả đam mê cháy bỏng”, do đó khi đổ vỡ “cũng đau khổ đến tận cùng”… Những mối tình đi qua đời cô, từ Tình yêu đầu tiên, Người tình duyên phận cho đến Đi tìm một người để thương hay Cha của con tôi,… ít nhiều mang đến tiếng cười hạnh phúc nhưng cũng để lại những vết đau.
Nghệ sĩ Kim Cương sinh năm 1937 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, ba là ông bầu Phước Cương, má là NSND Bảy Nam, người dì – cũng là người thầy là nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ. Kim Cương đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 18 ngày tuổi trong vai con của Quan Âm Thị Kính. Giữa thập niên 1950, được biết đến với danh hiệu “kỳ nữ” với vai diễn trong Giai Nhân và Ác Quỷ. Năm 1956, sáng lập một trong những đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn. Kim Cương là tác giả, đồng thời là đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như Lá Sầu Riêng, Dưới Hai Màu Áo, Trà Hoa Nữ, Tôi Làm Mẹ… Là người luôn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, hiện bà là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM, Thường vụ Ban chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM. Năm 2012, Kim Cương được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Hồi ký Sống cho người, sống cho mình được công ty Phương Nam ấn hành gồm 368 trang, có hình thức bìa cứng và bìa mềm.
Bài viết từ VNexperss được đăng tải vào ngày 16/05/2016