Hành trình khai phá thoại kịch miền Nam

/

Kịch nói Việt Nam đã trải qua dấu ấn trăm năm với sự phát triển không ngừng, ngày càng trở nên chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện và hiện đại. Ngày nay, kịch nói đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc đối với người dân. Có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình vận động, phát triển và phấn đấu của biết bao thế hệ nghệ sĩ. Hồi ký nghệ sị Kim Cương vừa hay là câu chuyện về cuộc đời của một trong những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tính chuyên nghiệp của kịch nói, vừa như một nhân chứng khiêm nhường bên dòng lịch sử của sân khấu kịch nói chung và sân khấu kịch miền Nam nói riêng. 

Kịch nói tại Sài Gòn trải qua một quá trình phát triển đặc biệt

Là một loại hình nghệ thuật của phương Tây, du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX, nơi đầu tiên kịch nói đặt chân đến là Sài Gòn – mảnh đất được biết đến với sự năng động, cởi mở. Nếu như kịch nói chuyên nghiệp miền Bắc ra đời sớm hơn thì Kịch Nam Bộ được xem như là sinh sau đẻ muộn. Mặc dù được tiếp nhận từ khá sớm nhưng trong gần 50 năm, kịch nói không phải là loại hình sân khấu chiếm vị trí trung tâm trong đời sống giải trí nghệ thuật của người dân thành phố. Từ việc các gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn các vở kịch nói để giải sầu cho khách viễn chinh đến việc người Pháp khánh thành Nhà hát Lớn tại Sài Gòn hay những năm 1933 -1934 đã có xuất hiện đoàn kịch đầu tiên nhưng các đoàn kịch tồn tại được không lâu cho thấy người dân miền Nam dường như chưa thỏa mãn với loại hình mới mẻ này và có cảm tình nhiều hơn với loại hình ca kịch dân tộc hiện đại – đó chính là cải lương.

Hướng đi mới cho kịch nói miền Nam – Sự ra đời của các ban thoại kịch

Nếu như trước đây, diễn kịch nói ở Sài Gòn chỉ là hình thức diễn tài tử, diễn chơi, mục đích biểu diễn thường để làm từ thiện, thì khi các ban kịch ra đời đã khai mở một phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Chính từ những nỗ lực của các ban kịch, kịch nói tại Sài Gòn đã bước đầu tạo nên đội ngũ khán giả của riêng mình. Đến năm 1959 số lượng các ban kịch nói (thoại kịch) đã lên đến 30 ban lớn nhỏ như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Vũ Đức Duy, Gió Nam, Sống, Trường Thủy, Bạch Tường, Đen Trắng……lúc này kịch nói đã có nhiều nghệ sĩ lừng danh như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng,… Hướng đi này là sự chuyển đổi của các nghệ sĩ trước đó vốn biểu diễn Cải Lương nhưng sau đó đã chuyển sang lĩnh vực kịch nói. Tiêu biểu cho hướng đi này đó chính là nghệ sĩ Kim Cương. 

Dấu ấn của kịch Kim Cương

Dù gia đình bốn đời theo cải lương, Kim Cương tâm huyết với loại hình thoại kịch, nữ nghệ sĩ đã không ngừng học hỏi đồng nghiệp và có ba năm du học Pháp để tích lũy kiến thức, trải nghiệm, gây dựng tên tuổi kịch Kim Cương

Cuối năm 1959, nghệ sỹ chính thức thành lập ban kịch Kim Cương – là một trong số ít những ban kịch của Sài Gòn dàn dựng và biểu diễn những vở kịch dài, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, đã chinh phục được giới mộ điệu khiến họ khóc cười theo từng lớp diễn của diễn viên. Với bút danh Hoàng Dũng, những kịch bản do Kim Cương viết và dựng trên sân khấu do bà quản lý đã trở thành một phần không thể thiếu khi đề cập đến lịch sử thoại kịch miền Nam như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Tôi là mẹ, Trà hoa nữ, Nước mắt con tôi, Cánh hoa tàn, Sắc hoa màu nhớ, Vùng bóng tối, Cuối đường hạnh phúc, Người nuôi hy vọng, Khát sống, Tầm ca mùa xuân… Ba vở Lá sầu riêng, Trà hoa nữ và Dưới hai màu áo đã chiếm trọn tình cảm của khán giả Sài Gòn và tiếp tục gắn với tên tuổi của Đoàn kịch Kim Cương sau ngày Giải phóng. Kim Cương đã để lại một gia sản rất lớn cho sân khấu miền Nam, đặt nền móng cho tính chuyên nghiệp của kịch nói, thể hiện một phong cách rất rõ ràng, rất điển hình của kịch miền Nam thế kỷ 20 – là tiền đề cho những bước phát triển mới của kịch nói trong điều kiện một đất nước thống nhất. Theo GS. Hoàng Như Mai “Ban kịch xứng đáng đánh dấu nền kịch nói Thành Phố Sài Gòn là ban kịch Kim Cương”.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, cùng với những lợi ích thì sự phát triển vượt bậc của công nghệ 4.0 đã khiến cho thế hệ trẻ dần xa rời và lãng quên với những giá trị truyền thống, trong đó có kịch nói. Audio Hồi ký nghệ sĩ Kim Cương – Dự án cá nhân được Kim Cương ấp ủ, đầu tư tâm huyết qua những chất giọng “vàng ròng” của làng thoại kịch Nam bộ: NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, cố nghệ sĩ lồng tiếng Văn Ngà,… trong các tập khác nhau đã tạo nên một sợi dây vô hình kết nối con người với những giá trị truyền thống của dân tộc, một hệ giá trị văn hóa xứng đáng được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi mang tên kịch nói miền Nam.

Mời bạn ngược dòng tìm hiểu về loại hình nghệ thuật có bề dày lịch sử và vẫn tồn tại đến ngày nay qua Audio Hồi ký Kim Cương được phát hành miễn phí trên YouTube và 2 nền tảng Spotify, Apple Music.