Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam – Một đời sống cho sân khấu

/

Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam sinh năm 1913 tại Tiền Giang và mất vào năm 2004, được xem là một trong những nghệ sĩ lớn của sân khấu cải lương cũng như kịch nói Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Bà là em ruột của NSND Năm Phỉ và là mẹ của NSND Kim Cương, gia đình bà có 11 anh chị em, trong đó, bà là con thứ Bảy.

NSND Bảy Nam trên sân khấu.

Vai diễn đầu tiên lúc 14 tuổi đã dẫn bà vào con đường nghệ thuật. 5 năm sau, bà đã là bà bầu cả một gánh hát.

NSND Bảy Nam được xem là một nghệ sĩ tài năng. Khi sinh thời, giáo sư Hoàng Như Mai đã từng có nhận xét về bà như sau:

– Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quí hiếm ấy.

Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, NSND Bảy Nam không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà, đó là vở “Lá sầu riêng” và “Bông hồng cài áo”. Chỉ hai vở ấy thôi cũng đủ chứng minh tài năng tuyệt vời, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với vô số kịch bản: Nỗi đau lòng mẹ; Người đàn bà Việt Nam; Gươm vàng máu đỏ; Điều Tam Xuân; Tiêu Anh Phụng; Phấn hậu cung…

Bà được xác lập hai sở hữu 2 kỷ lục: “Nữ tác giả sáng tác kịch bản nhiều nhất” và “Nữ nghệ sĩ đóng vai người mẹ nhiều nhất trên sân khấu kịch và điện ảnh”.

Ngày 15/10/2020, tại trụ sở Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh (số 5B Võ Văn Tần, Q.3), Ban Lý luận – phê bình và CLB Phóng viên sân khấu thuộc Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Triển lãm ảnh chủ đề “Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam – Người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam”. Triển lãm nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) và hướng đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Triển lãm trưng bày 100 bức ảnh đen trắng quý và tư liệu báo chí về NSND Bảy Nam, là quá trình hoạt động nghệ thuật suốt hơn 70 năm với các vai diễn của bà trên các lãnh vực sân khấu cải lương (như Đào Tam Xuân, Ngọc Kỳ Lân…); phim “Ngọn cỏ gió đùa”; ảnh NSND Bảy Nam chụp chung với nghệ sĩ Kim Cương; ảnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm NSND Bảy Nam…; ảnh NSND Bảy Nam ngồi bên bàn trang điểm, hóa trang cho nhân vật bà Tư – vai diễn để đời của bà trong vở kịch “Lá sầu riêng”; các bức ảnh lễ mừng thọ 90 tuổi của NSND Bảy Nam…

NSND Bảy Nam từng nói với các hậu bối đồng nghiệp của mình:

– Đã dấn thân vào hoạt động nghệ thuật thì đây không còn là nghề nữa mà là một cái “đạo” và đã là “đạo” thì bản thân người nghệ sĩ phải tu dưỡng, rèn luyện sao cho xứng đáng, phải làm đời tươi đẹp hơn, chứ đừng làm điều ô uế cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ…

Trong chương trình triển lãm còn có buổi nói chuyện chuyên đề sân khấu về NSND Bảy Nam do NSND Kim Cương đảm nhận.

Bài viết từ tuanbaovannghetphcm được đăng tải vào ngày 24/10/2020